Tình trạng già hóa dân số ngày càng cao đã trở thành vấn đề và là bài toán khó giải với yêu cầu cấp thiết về đảm bảo an sinh xã hội và sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực ở Việt Nam.
Tình trạng già hóa dân số đang trở thành một thách thức toàn cầu trong thế kỷ XXI. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) dự báo con số này sẽ lên tới 2,1 tỷ người vào năm 2050. Hiện nay, cứ 8 người trên hành tinh thì có một người từ 60 tuổi trở lên, xu hướng này sẽ còn gia tăng do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ trung bình tiếp tục kéo dài.
Ở Việt Nam, số liệu từ Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 cho thấy, tính đến ngày 1-4-2024, dân số Việt Nam là 101.112.656 người, là quốc gia đông dân thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines, xếp thứ 16 trên thế giới.
Trong vòng 5 năm, từ năm 2019 đến nay, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4,9 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm trong giai đoạn 2019-2024 là 0,99%, giảm 0,23% so với mức 1,22%/năm của giai đoạn 2014-2019.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm trường mầm non tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Dự kiến đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Đáng chú ý, trong hai năm gần đây (2023-2024), mức sinh ở Việt Nam bắt đầu giảm nhanh hơn. Tổng tỷ suất sinh (TFR) hiện là 1,91 con/phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, nhận định đây là một tình trạng đáng lo ngại. Việt Nam đang phải đối diện với thực trạng già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, khởi đầu từ năm 2011 và được dự báo sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già vào năm 2036, tiến tới ngưỡng xã hội siêu già vào năm 2050.
Theo ghi nhận, hiện Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17-20 năm, ngắn hơn so với các nước khác.
Cả nước hiện có 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm 16% dân số. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có chỉ số già hóa dân số dẫn đầu cả nước với hơn 1,3 triệu người hơn 60 tuổi, chiếm 12,05% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tại TP Hồ Chí Minh sẽ đạt 20% (khoảng 1,8 triệu người).
Còn theo dữ liệu của tỉnh Sơn La, với dân số 1,3 triệu người với 12 dân tộc sinh sống, tỉnh này đang dần bước vào thời kỳ già hóa, số người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 6,7% tổng dân số.
Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, nguyên nhân chính của già hóa dân số xuất phát từ xu hướng tăng tuổi thọ và giảm tỷ lệ sinh. Tình trạng này đặt ra nhiều thách thức lớn trên các lĩnh vực kinh tế, với nguy cơ giảm sút lực lượng và năng suất lao động, cũng như khả năng thiếu hụt lao động trong bối cảnh công nghiệp hóa chưa hoàn thiện, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế sau năm 2040 khi giai đoạn "dân số vàng" kết thúc.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, để ứng phó với tình trạng già hóa dân số, trước hết, cần thay đổi nhận thức trong xã hội, coi trọng vai trò và những đóng góp của người cao tuổi vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thay vì chỉ nhìn nhận họ là đối tượng cần được chăm sóc.
Tiếp đó, cần khuyến khích tăng tỷ lệ sinh ở các cặp vợ chồng trẻ, cần tăng cường tạo ra nhiều sân chơi an toàn, bổ ích cho trẻ, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường giáo dục mầm non để các bậc phụ huynh có thể yên tâm làm việc.
Song song đó, thực hiện đồng bộ hóa các văn bản pháp luật liên quan và đưa các chỉ tiêu ứng phó với già hóa dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện mức sinh, đồng thời tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng có thể tiếp tục tham gia vào các hoạt động kinh tế phù hợp.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, để giải quyết tốt vấn đề già hóa dân số đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện từ cả hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội, cùng với sự điều chỉnh mang tầm nhìn dài hơi hơn trong chính sách dân số.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, cho rằng để giải quyết tốt vấn đề
già hóa dân số đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện từ cả hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Bên cạnh vấn đề tài chính, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ ra nguyên nhân các cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con. Đó là tình trạng vợ chồng làm việc xa nhau, khó khăn trong việc trông con. Việc thiếu nhà ở xã hội và khó khăn trong tiếp cận nhà ở cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ gợi mở, người cao tuổi và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn tới hai đối tượng này. Cần ưu tiên tăng cường đầu tư vào các cơ sở giáo dục mầm non để tạo điều kiện cho các gia đình trẻ yên tâm công tác. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa về nhà ở xã hội cho người trẻ và người có thu nhập thấp và chính sách chăm sóc cho người cao tuổi.
Ông Hạ thông tin thêm, hiện nay nhiều người già không có không gian riêng tư, cảm thấy cô đơn và thậm chí bị con cái ngược đãi hoặc bỏ rơi. Tỷ lệ già hóa dân số cao nhưng người già sống khỏe mạnh ở Việt Nam còn thấp, dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp. Vì vậy, cần có những giải pháp an sinh tốt hơn nữa để hỗ trợ người già, bao gồm cả việc tạo ra các không gian vui chơi, giải trí và chăm sóc sức khỏe.
Trong tình hình tổ chức lại các đơn vị hành chính rất mạnh mẽ hiện nay, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, Chính phủ nên có hướng sử dụng tài sản công, trụ sở công thuộc những quận, huyện không còn nhiều nhu cầu sử dụng bằng cách chuyển đổi công năng theo hướng ưu tiên cho phục vụ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hoặc các lợi ích cộng đồng thiết thực, như tăng các nhà trường và các cơ sở chăm sóc người già…
Đại biểu Tạ Văn Hạ thông tin thêm, hiện Quốc hội đang phối hợp với Chính phủ để nghiên cứu và ban hành luật về dân số, cũng như xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về dân số. Mục tiêu phát triển dân số là để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Việc hoàn thiện thể chế và chính sách về dân số là rất quan trọng để đạt được mục tiêu này.
ĐỨC TÂM-NGUYÊN KHÁNH
Theo https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giai-bai-toan-gia-hoa-dan-so-o-vie...
Ý kiến ()