Sau hơn 13 năm công tác trong ngành giáo dục mầm non, mới đây cô Nguyễn Thị Vân (Thái Nguyên) buộc lòng phải viết đơn xin nghỉ việc. Lý do cô nêu trong lá đơn là “thu nhập thấp, lương không đủ sống”.
Để đưa ra quyết định từ bỏ công việc bản thân đam mê, yêu thích, cô Nguyễn Thi Vân đã phải trăn trở một thời gian dài, song vì cuộc sống quá khó khăn nên cô không thể tiếp tục bám trụ với nghề.
Cô Nguyễn Thị Vân viết đơn xin nghỉ việc vì thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống.
“Gia đình tôi có 3 con nhỏ, cháu lớn học lớp 7, cháu nhỏ nhất mới 4 tuổi. Các con ngày càng lớn, tiền chi tiêu, tiền học đều tăng cao, chưa kể cháu nhỏ thường xuyên ốm đau, thuốc men. Trong khi đó, mỗi tháng lương của tôi chỉ vọn vẹn 5,3 triệu đồng, sau khi trừ BHXH, phí công đoàn, đảng phí, số tiền thực lĩnh chưa đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Chồng tôi trước đây làm hợp đồng ở xã, thu nhập cũng chỉ được 2 triệu đồng/tháng. Với số tiền như trên thì không thể đủ sống”, cô Vân cho biết.
Nhiều năm qua, để bám trụ với nghề, hàng ngày sau mỗi giờ dạy, cô đều tranh thủ đi ship hàng. Những ngày đầu, số tiền đi ship chỉ từ 20.000 – 30.000 đồng/ngày, song cô Vân vẫn kiên trì với hy vọng “có thêm đồng nào hay đồng ấy” để trang trải cuộc sống.
Mới đây, sau một lần bị cảm, dẫn đến liệt dây thần kinh số 7, sức khỏe suy giảm, cô Vân không còn khả năng để đảm đương cả “nghề chính và nghề phụ” cùng lúc, vì cuộc sống, cô đành bỏ nghề để về bán hàng tại nhà.
“Để đưa ra quyết định này, đã rất nhiều đêm tôi mất ngủ, khóc ướt gối. Sau khi nghỉ việc, phải hơn 1 tháng, tôi không dám đưa con đi học, vì cứ đến cổng trường là khóc, 13 năm trong nghề có quá nhiều kỷ niệm, nhưng nếu tiếp tục đi dạy thì không có đủ sức để làm thêm, nhưng không làm thêm thì không thể sống với mức lương chưa đến 5 triệu đồng như hiện nay”, cô Vân chia sẻ.
Dù không còn gắn bó với nghề, nhưng cô Vân vẫn mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có các chính sách để cải thiện đời sống giáo viên: “Tôi thấy mình khổ nhưng còn nhiều bạn trẻ mới đi làm còn vất vả hơn nhiều vì mức lương khởi điểm rất thấp”.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 5 năm với 2 tấm bằng cử nhân ngành Sư phạm Mầm non và Sư phạm Tiểu học, nhưng hiện mức lương và trợ cấp đứng lớp của cô Nguyễn Thị Dung (Hải Dương) chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng với hệ số lương 1,86.
“Thời điểm ra trường về địa phương không còn chỉ tiêu tuyển giáo viên tiếng Anh tiểu học, nên tôi đành thi tuyển viên chức giáo viên mầm non, tuy nhiên yêu cầu đầu vào với giáo viên mầm non chỉ từ trung cấp. Thời điểm đó tôi có bằng đại học, nhưng cũng chỉ được nhận mức lương trung cấp. Đến giờ khi chuyển lên dạy tiếng Anh bậc tiểu học tại trường công, nhưng vẫn chưa được chuyển bậc lương lên đại học”, cô Dung cho biết.
Làm xa nhà hơn 10km, cô Dung tâm sự, tiền lương hàng tháng chỉ đủ tiền xăng xe, và trang trải được một phần rất nhỏ chi phí sinh hoạt gia đình, mọi khoản chi tiêu khác đều do chồng cô hỗ trợ, gánh vác.
Thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) phải thốt lên rằng, đời sống của nhiều giáo viên cực kỳ khó khăn, sở dĩ thầy cô có thể gắn bó được với nghề giáo bởi phải bươn chải nhiều công việc khác nhau.
Đơn cử như giáo viên trong trường THCS Hạ Bằng, ngoài giờ lên lớp, có thầy cô đi bán bảo hiểm, bán hàng online trên mạng. Thầy giáo dạy Tin về nhà bán máy tính, thầy dạy Vật lý đi lắp điện nước, sửa điện, đổ mực máy in, có cô bán tạp hóa…
Mức lương thấp khiến nhiều thầy cô chưa thể yên tâm gắn bó với nghề. (Ảnh minh họa)
“Thầy cô phải rất năng động, cố gắng làm nhiều việc mới có thể sống được với nghề, và phải thừa nhận rằng họ sống được bằng thu nhập từ nghề tay trái chứ không phải bằng lương giáo viên”, thầy Xuân ngậm ngùi nói.
Công tác trong ngành giáo dục hơn 30 năm từ 1989 đến nay, thầy Nguyễn Văn Xuân cho biết, đã nhiều lần hy vọng vào những đề xuất, kiến nghị về cải cách, nâng cao đời sống cho giáo viên, song từ thời điểm đó đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi. Mức lương được điều chỉnh chủ yếu “vá víu” vào trượt giá, lạm phát.
Kiến nghị xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Còn với những người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng trong 2-3 năm đầu.
Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều.
“Một số giáo viên chia sẻ với tôi, đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5 - 6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ để các thầy cô đi chợ chừng nửa tháng. Ngoài giờ lên lớp, nhiều giáo viên lại chạy đôn chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc mua nhà, nuôi con trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo, đặc biệt là ở thành phố lớn.
Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6h sáng đến 6h tối. Trong khi đó, đồng lương họ nhận được vẫn không lo nổi cuộc sống”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trăn trở.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, chỉ 10 tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều vì giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh. Một số tỉnh đưa ra chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn; hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng giáo viên nghỉ việc vừa qua tập trung tại các thành phố, khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai - nơi có mức sống bình quân của người dân cao. Giáo viên với đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, không thể yên bình trong cái nghèo. Ở những khu vực này, giáo viên nếu bỏ việc cũng dễ dàng kiếm được việc khác vì lợi thế được đào tạo, có trình độ văn hóa.
Bộ GD-ĐT xác định giải pháp đầu tiên khắc phục tình trạng trên phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học. Tôi cũng mong các địa phương hỗ trợ nhiều hơn đến nhóm giáo viên hiện nay chưa được quan tâm, đó là những cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ.
“Tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước ưu tiên xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, để những người thầy không còn phải tính toán chi ly, co kéo đồng lương eo hẹp cho hàng chục khoản chi mỗi tháng; toàn tâm toàn ý, yên tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh.
Cùng với đó, việc lương và phụ cấp giáo viên tăng thêm cũng là động lực thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đặc biệt, khi khối công lập tăng lương, sẽ là đòn bẩy, kích thích khối tư thục quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô giáo và đầu tư cho con người.
Trong khi chờ cấp có thẩm quyền xem xét, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường, để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy.
Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các chế độ chính sách khác như quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết./.
Ý kiến ()