"Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng với sự đổi mới về quan điểm trong việc quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo. Đó là quan điểm chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo để phù hợp với sự đổi mới sâu sắc, toàn diện trong nền giáo dục". Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Thứ trưởng có thể cho biết tại sao chúng ta cần ban hành Luật Nhà giáo?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Ở Việt Nam, GD-ĐT luôn được đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu. Nhà giáo-nguồn lực, tài sản lớn của ngành giáo dục, lực lượng then chốt trong phát triển sự nghiệp giáo dục cũng vì thế được quan tâm để phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Thực tế ở Việt Nam, hầu hết nhà giáo thuộc các trường công lập (chiếm khoảng 90%). Lực lượng này cũng là viên chức, chịu sự quản lý theo Luật Viên chức. Điều này đồng nghĩa với việc ứng xử đối với nhà giáo trong các quy định quản lý nhà nước cũng giống như các viên chức thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác. Vì thế, nhà giáo cũng chỉ đơn thuần là viên chức, được cơ quan quản lý tuyển dụng, điều động, phân công và trả lương để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong nhà trường công lập.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.
Áp dụng tư duy đồng nhất và hàng loạt trong quản lý đội ngũ nhân lực quan trọng nhất của quốc gia là nhà giáo như vậy dễ dẫn đến một cơ chế xơ cứng, hạn chế tính chuyên nghiệp, kìm hãm năng lực sáng tạo, làm giảm động lực và lòng yêu nghề của nhà giáo. Quản lý nhà nước về nhà giáo cần một khung pháp lý chuyên biệt, trong đó nhà giáo, cả công lập và tư thục, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường thăng tiến của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và sự hài lòng của xã hội. Cũng cần nói thêm rằng, đội ngũ viên chức giáo dục hiện chiếm tới 72% tổng số viên chức cả nước. Vì vậy, rất cần có một đạo luật riêng để bao quát được tính đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo.
Được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT nhận thức rõ đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là cơ hội để những trăn trở, mong mỏi về nghề nghiệp nhà giáo, những bất cập, nút thắt trong xây dựng, phát triển nhà giáo sẽ được giải quyết trên một nền tảng pháp lý vững chắc.
PV: Được biết dự án Luật Nhà giáo là kết quả của hơn 20 năm ấp ủ và hơn một năm xây dựng, qua 5 lần chỉnh sửa và nhiều hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Vậy những điểm đáng chú ý trong dự thảo này là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Ngành giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá, có ý nghĩa quyết định đối với thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Vì vậy, việc chuẩn bị cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ đầu thập niên 2000.
Cô trò Trường THCS Lê Lợi, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: THANH LÊ
Quan điểm xuyên suốt khi xây dựng dự án Luật Nhà giáo là thúc đẩy phát triển đội ngũ nhà giáo, thu hút người có trình độ, tâm huyết vào nghề và “giữ chân” được đội ngũ nhà giáo, chứ không phải xây dựng luật, quy định thiết chế để quản lý nhà giáo. Dự án luật đã quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh; quy định về tuyển dụng nhà giáo đáp ứng đặc thù nghề nghiệp; quy định rõ, bảo đảm tính đặc thù trong sử dụng nhà giáo.
Dự án luật cũng quy định đầy đủ chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo và tăng đãi ngộ đối với nhà giáo; tăng cường chính sách thu hút đối với nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với hoạt động nghề nghiệp; quan tâm đào tạo nguồn nhà giáo và quy định cụ thể về nội dung, hình thức hợp tác quốc tế về nhà giáo. Một điểm mới đáng chú ý nữa là dự án luật quy định vai trò chủ trì của ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo nhằm khắc phục những bất cập hiện nay về quản lý nhà nước đối với nhà giáo.
PV: Mong đợi của xã hội nói chung, các nhà giáo nói riêng là Luật Nhà giáo không chỉ quy định những nội dung trước đây chưa quy định mà còn vươn tầm trong việc khẳng định vai trò của nhà giáo. Theo Thứ trưởng, yêu cầu này đã được hiện thực hóa trong dự án Luật Nhà giáo như thế nào?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Trong dự án luật, vị trí, vai trò của nhà giáo đã được quy định cụ thể. Theo đó, nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục, được xã hội bảo vệ, kính trọng, tôn vinh. Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng với sự đổi mới về quan điểm trong việc quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo.
Đó là quan điểm chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, để phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trong nền giáo dục, từ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học đã và đang triển khai. Điều này phù hợp, nhất quán với tinh thần Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
PV: Khi thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhấn mạnh Luật Nhà giáo được ban hành phải làm sao để người thầy đón nhận trong tâm thế phấn khởi, thực sự được tôn vinh. Có người thầy tốt mới có trò tốt. Thầy giáo là đầu tàu trong giáo dục. Theo Thứ trưởng, những điều này đã được thể hiện trong dự án luật chưa?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Để tôn vinh, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo phát huy vai trò, vị trí của mình trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay, lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống trong dự án Luật Nhà giáo. Nhà giáo đặt trước yêu cầu phát triển không ngừng, được bảo vệ thông qua quyền của nhà giáo và những điều cá nhân, tổ chức không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Một tiết học tiếng Anh của cô trò Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NGỌC HIỆP
Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo...
Chúng tôi xác định nội dung của luật không chỉ liên quan đến 1,6 triệu nhà giáo hiện tại mà còn tác động tới sự phát triển đội ngũ nhà giáo trong tương lai. Do đó, ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, hoàn thiện để Luật Nhà giáo thực sự góp phần tôn vinh, củng cố, nâng tầm vị thế nhà giáo.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
ANH VINH (thực hiện)
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nang-tam-vi-the-dai-ngo...
Ý kiến ()