Với những tiềm năng tài nguyên tự nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú, du lịch Hòa Bình có đầy đủ điều kiện để “cất cánh”, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đông đảo khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá.
Tiềm năng "vàng" phát triển du lịch, văn hóa
Hòa Bình là một vùng đất giàu di tích lịch sử, văn hóa cùng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. Dòng sông Đà hiền hòa, thơ mộng đã đi vào những tác phẩm văn học, thơ ca nổi tiếng. Hồ Hòa Bình được ví như một "Vịnh Hạ Long trên cạn", động Tiên Phi mang vẻ đẹp trong trẻo, hoang sơ đầy cuốn hút được ví như "viên ngọc quý" bởi màu sắc đa dạng, được thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 đã đề ra 11 giải pháp
nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch, Hòa Bình sẽ phấn đấu đón 4,9 triệu khách vào năm
2025,doanh thu du lịch đạt 5,4 nghìn tỉ đồng. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Mảnh đất Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sông, hồ, thác nước, đồi núi trùng điệp tạo nên nhiều động đẹp như thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh… Các địa điểm hút du khách tham quan như khu sinh thái rừng đầu nguồn Núi cô, thác Giăng, vùng hồ Hòa Bình, gồm 47 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Đặc biệt, Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia có diện tích 52.000ha; trong đó diện tích mặt nước khoảng 8.000ha với hàng chục đảo và bán đảo tạo nên phong cảnh non nước hữu tình, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí.
Ngoài ra, nền văn hóa Hòa Bình có từ thời tiền sử, vùng đất nổi tiếng với bốn mường Bi, Vang, Thàng, Động. Các dân tộc sống trên vùng đất này có những nét văn hóa riêng biệt tạo nên các sắc thái đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.
Hòa Bình còn là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của các dân tộc cùng với những lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc gắn với nông nghiệp nổi tiếng như: Lễ hội Chiêng người Mường, Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Bi, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Xên Mường người Thái,..
Đồng thời, Hòa Bình còn là cái nôi văn hóa của người Việt, là nơi bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng và gần 10 nghìn chiếc chiêng quý giá. Hòa Bình cũng là nơi sản sinh và còn lưu giữ những áng Mo sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước" của người Mường. Mỗi dân tộc ở Hòa Bình có bản sắc văn hóa riêng thể hiện trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống… đặc sắc.
Ngoài ra, Hòa Bình có 05 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Mo Mường, Nghệ thuật Chiêng Mường, Lễ hội Khai hạ, Tri thức dân gian Lịch Tre của dân tộc Mường và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu, đây là những lợi thế để du lịch Hòa Bình phát triển.
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, những năm gần đây, du lịch tỉnh Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhiều loại hình du lịch khác nhau để phát triển du lịch.
Ngành du lịch Hòa Bình được chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, tuyên truyền quảng bá, đào tạo nhân lực và phát triển du lịch cộng đồng tại Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Thúc đẩy, tạo đột phá cho du lịch Hòa Bình "cất cánh"
Với thế mạnh là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, du lịch thể thao và văn hóa tâm linh. Hòa Bình cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng loại hình du lịch tâm linh trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình và các huyện: Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Lạc Sơn… Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông mới tại các địa phương có tiềm năng như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn để thu hút khách.
Trong đó, tỉnh ưu tiên, tập trung hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi... Nhờ đó, những thương hiệu như Sun Group, Vin Group… đã đến địa phương này để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và các loại hình du lịch thể thao như: chơi golf, đua xe đạp địa hình, bay dù lượn.
Trong thời gian tới Hòa Bình sẽ tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái
nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, văn hóa, thể thao. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Đối với thị trường khách quốc tế, tỉnh chú trọng xây dựng các sản phẩm về du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề thủ công truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí...
Không chỉ thế, Hòa Bình từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh gắn với hình ảnh đặc trưng, mang bản sắc văn hóa các dân tộc, cụ thể là xây dựng được thương hiệu và hình ảnh cho bản Lác, bản Văn, bản Hang Kia – Mai Châu, xóm Ngòi - Tân Lạc, xóm Đá Bia - Đà Bắc trở thành các điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Hòa Bình tập trung khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất rượu cần, sản xuất hàng lưu niệm… để phục vụ khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp như xây dựng trang trại trồng các loại cây ăn quả, trồng hoa và các loại rau củ quả, nuôi trồng thủy sản, kết nối vùng, xây dựng chương trình du lịch nông nghiệp tạo điểm đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Với sự nỗ lực kể trên, năm 2023, Hòa Bình đón 3,8 triệu lượt du khách tham quan, tăng 21,5% so với cùng kỳ, thực hiện 108,6% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế 450 nghìn lượt, đạt 100% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch đạt 4.000 tỉ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 102,6% kế hoạch năm.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Hòa Bình ước đón 2,6 triệu lượt khách, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,9% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế 260 nghìn lượt, khách nội địa 2.340 nghìn lượt. Trong năm 2024, du lịch Hòa Bình phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách, trong đó có 500 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch trên 4.600 tỉ đồng.
Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 đã đề ra 11 giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch, Hòa Bình sẽ phấn đấu đón 4,9 triệu khách vào năm 2025, doanh thu du lịch đạt 5,4 nghìn tỉ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này và hướng đến phát triển du lịch hiệu quả, an toàn, thời gian tới, Hòa Bình sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giúp du khách trong và ngoài nước biết tới các điểm đến du lịch trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống…
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho biết, để thu hút thêm nhiều lượt khách đến với Hòa Bình, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách, việc xây dựng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn có ý nghĩa then chốt.
Hiện Hòa Bình đang tổ chức triển khai và thực hiện chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia; Đề án xây dựng các xã vùng cao Tân Lạc trở thành Khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cùng với đó, ưu tiên các nguồn lực, lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch, nhất là các bến cảng du lịch, tuyến đường ven hồ Khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các điểm du lịch, tạo thuận lợi về giao thông phục vụ nhà đầu tư du lịch, du khách và người dân địa phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặt khác, tỉnh Hòa Bình cũng xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông và nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok, zalo, cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thực hiện phủ sóng điện thoại và lắp đặt mạng wifi miễn phí cho một số khu, điểm du lịch quan trọng.
Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng về du lịch theo hướng đổi mới tư duy, phù hợp với tình hình mới, phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
"Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, văn hóa, thể thao. Mở rộng các môn thể thao truyền thống của đồng bào thiểu số cũng như tổ chức các giải đua xe đạp, giải golf mang tầm quốc tế khu vực; phát triển thêm môn dù lượn để tăng sức cạnh tranh sản phẩm du lịch của tỉnh Hòa Bình với các tỉnh khác", ông Bùi Xuân Trường cho hay.
Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình cũng sẽ chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và những địa phương có tiềm năng du lịch như Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy. Đặc biệt, các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng… sẽ được tập trung phát triển.
Có thể khẳng định, sự nỗ lực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã giúp ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chuyển biến mạnh mẽ, thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng các sản phẩm mới, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Hòa Bình "cất cánh".
Thùy Chi ( Theo https://baochinhphu.vn/hoa-binh-danh-thuc-tiem-nang-the-manh-vang-de-pha...)
Ý kiến ()