Tinh gọn bộ máy hiện nay đang được cán bộ, đảng viên và nhân dân mong chờ, đón nhận với sự ủng hộ mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy Nhà nước là một nhiệm vụ lớn, khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy, tinh gọn bộ máy cần có bước đi, cách làm phù hợp và phải bảo đảm hai giá trị cốt lõi: Triệt để và khoa học.
Dựa trên dữ liệu và nghiên cứu
Để tinh gọn bộ máy, công việc đầu tiên là cần tiến hành đánh giá thực trạng của hệ thống hiện tại, xác định những điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề còn tồn tại, cũng như các số liệu thống kê về nguồn lực con người và nguồn tài chính hiện có. Từ đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có cơ sở để đề ra những phương án cải cách, tinh gọn hợp lý, đúng trọng tâm và đạt hiệu quả cao, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và phát triển.
Những công cụ phân tích số liệu, đánh giá hoạt động của bộ máy Nhà nước có thể kể đến như: Sử dụng chỉ số đánh giá hiệu suất công việc (KPI) để đo lường mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra nhằm đánh giá việc tuân thủ quy trình, quy định, phát hiện sai sót, bất cập trong hoạt động; khảo sát, lấy ý kiến phản hồi từ người dân và doanh nghiệp; sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để nghiên cứu thông tin về chi tiêu, phân bổ nguồn lực, hiệu suất hoạt động của các bộ phận; áp dụng các tiêu chuẩn và chỉ số đánh giá của quốc tế như: Chỉ số Hiệu quả Chính phủ (Government Effectiveness Index), Chỉ số Kiểm soát Tham nhũng (Corruption Perceptions Index), Chỉ số Quản trị Công (Public Governance Indicators);…
Ảnh minh họa.
Sau khi có kết quả nghiên cứu, việc công khai các số liệu, dữ liệu liên quan đến quá trình tinh gọn cũng là một yêu cầu cần thiết để tạo ra sự minh bạch, đồng thời giúp các cơ quan, tổ chức và người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến, tạo cơ sở cho quá trình tinh gọn trở nên toàn diện và dễ đạt được sự đồng thuận cao, tránh tình trạng phản đối do thiếu thông tin hoặc hiểu nhầm về mục tiêu của cải cách.
Phải có chiến lược dài hạn
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) yêu cầu, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải “thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài”. Tinh gọn bộ máy không phải là nhiệm vụ có thể thực hiện trong thời gian ngắn, mà cần được tiến hành một cách có chiến lược và theo lộ trình dài hạn; không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước vững mạnh, bền vững, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Một chiến lược dài hạn cũng không chỉ tập trung vào việc tinh gọn mà còn bao gồm việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại các đơn vị hành chính theo hướng khoa học và hiệu quả hơn; gắn tinh giản biên chế với cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp. “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”[1].
Không nể nang, chần chừ
Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Như vậy, tinh gọn bộ máy cần được thực hiện một cách triệt để, không nể nang, chần chừ, nghĩa là phải thực hiện tinh gọn dựa trên các tiêu chí khách quan và công bằng, không vì các mối quan hệ cá nhân hay lợi ích nhóm ảnh hưởng đến các quyết định. Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, Đảng ta rút ra một trong những bài học quan trọng hàng đầu là phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Trong bối cảnh tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết” [2]. Mỗi cá nhân, mỗi tập thể đều được đánh giá dựa trên năng lực thực sự và đóng góp cụ thể cho xã hội, không phân biệt cấp bậc hay thâm niên. Việc cải cách, tinh gọn cần được thực hiện đúng thời điểm, không để kéo dài, tránh gây ra sự trì trệ hoặc mất phương hướng cho toàn bộ hệ thống.
Tuy nhiên, không chần chừ không có nghĩa là vội vàng, đốt cháy giai đoạn. Trong quá trình tinh gọn, các bước cải cách cần được thực hiện với kế hoạch rõ ràng, theo đúng lộ trình và tiến độ đã đặt ra. Quyết định cần được đưa ra dứt khoát, nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ lưỡng.
Tóm lại, tinh gọn bộ máy Nhà nước là nền tảng vững chắc để xây dựng một hệ thống hành chính hiệu quả, hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Khi cải cách được thực hiện triệt để và khoa học, bộ máy nhà nước sẽ hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, không chỉ góp phần giảm lãng phí nguồn lực, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển sự thịnh vượng của đất nước trong tương lai.
[1], [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, T.2, tr.257, 226.
TS HỒ CÔNG LƯU, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tinh-gon-bo-may-dua-tren-tieu-c...
Ý kiến ()