Năm 2024, trước nhiều khó khăn, thử thách, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng 7,09% với nhiều kết quả quan trọng được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Kinh tế năm 2025 được kỳ vọng sẽ có sức bật mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng trên 8%.
GDP bình quân đầu người tăng 377USD
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nội tại và bên ngoài. Nền kinh tế thế giới trải qua một năm nhiều biến động khó lường. Trong nước, khó khăn, thách thức đầu tiên có thể kể đến là xử lý những vướng mắc, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ nhiều năm qua; đồng thời phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh, đặc biệt là hậu quả của bão số 3 (Yagi).
Song, Việt Nam đã bền bỉ, nỗ lực vượt qua từng khó khăn để phấn đấu đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Dấu ấn khởi sắc của nền kinh tế thể hiện rõ nét khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV-2024 ước tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).
Tính chung, GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019, 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Dịch vụ vẫn là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, trên 49,46%. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm khu vực này đạt 7,38% so với năm trước. Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17% vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế; nông, lâm nghiệp và thủy sản góp 5,37% vào tăng trưởng.
Kho cảng LNG Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: AN SƠN
Đáng chú ý, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người/năm, tương đương 4.700USD, tăng 377USD so với năm 2023. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88%, do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023). Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra; xuất khẩu hàng hóa là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng. Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 14,3%, được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN phục hồi. Năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD...
Kết quả quan trọng trong năm 2024 là Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn. Đã có gần 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam; trong đó có những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như NVIDIA đã "cập bến", tạo dấu mốc lịch sử, hay như Google cũng lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam... Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện năm 2024 đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, cũng như minh chứng cho việc khu vực FDI ngày càng có những đóng góp trực tiếp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá mức tăng trưởng năm 2024 là rất tích cực trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, trong nước chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Đây là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc, về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng trên 8%
Năm 2025, Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%. Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ tại Công điện số 137/CĐ-TTg với mục tiêu phải tăng tốc, bứt phá hướng tới mức tăng trưởng trên 8% và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới. Đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, bởi để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, chúng ta cần các giải pháp làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống bên cạnh các giải pháp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.
Dự báo từ các tổ chức quốc tế uy tín như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của Việt Nam, với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5-6,6% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, dù còn nhiều khó khăn nhưng những động lực quan trọng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục được dự báo có thể duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn, đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế. Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025, không ít rủi ro cho tăng trưởng cũng đã xuất hiện, đó là xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, gia tăng chính sách bảo hộ thương mại, chiến tranh công nghệ làm phân mảng kinh tế thế giới... Song, Việt Nam cũng có thể tìm thấy những cơ hội trong thách thức, chủ động thích ứng với bối cảnh quốc tế biến động, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Nói về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, chúng ta có cơ sở để nói đến mục tiêu này, bởi lẽ sự tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024. Đồng thời có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế với việc Quốc hội thông qua nhiều luật. Sự thay đổi lớn trong các luật này là tư duy đột phá, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tư tưởng lớn của các luật là tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc. “Chúng ta không bàn đến vấn đề quá sức hay không quá sức mà đã đặt ra thì phải quyết tâm làm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ.
Cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 137/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức trên 8%. Trong đó, đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các ngành, lĩnh vực, bộ, cơ quan, địa phương; phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, các địa phương cực tăng trưởng của cả nước cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để phát huy vai trò đầu tàu mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.
VŨ DUNG
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-viet-nam-khoi-sac-810350
Ý kiến ()