Từ ngày 14-2 tới đây, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Trong đó, nhiều điểm mới được xây dựng, nhằm quy định cụ thể, đáp ứng nhu cầu chính đáng trong dạy thêm, học thêm của cả người dạy lẫn người học, với phương châm tăng cường quản lý chứ không cấm.
Không cấm dạy thêm, học thêm
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của cả người dạy lẫn người học.
Tuy nhiên, thực tế, có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì để bài kiểm tra không bị lạ lẫm.
Việc học thêm quá nhiều khiến các em không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức. Việc một bộ phận giáo viên “ép” học sinh do mình dạy chính khóa phải học thêm cũng ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội.
Xuất phát từ thực tế nêu trên và yêu cầu: Từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", Bộ GDĐT xây dựng Thông tư 29 trên tinh thần không cấm dạy thêm, nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GDĐT cũng giao các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch để đảm bảo hiệu quả, thầy cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nhằm đạt mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đó là phát triển năng lực học sinh.
Như vậy, về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định, có thể đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục. Ngoài giờ học theo chương trình, các trường cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… để các em học sinh nhiệt tình tham gia.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT chia sẻ: Điểm mới trong Thông tư lần này là Bộ GDĐT quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường, nhưng không được thu tiền của học sinh, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.
Nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Nếu học sinh chưa đạt, nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức.
Tương tự, với đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi cuối cấp, nằm trong kế hoạch của nhà trường. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi, để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.
Như vậy, bản chất là Bộ GDĐT tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm, chứ không phải cấm việc dạy thêm, học thêm.
Hướng đến công khai, minh bạch
Một trong những điểm đáng chú ý với hoạt động dạy thêm trong nhà trường, đó là vấn đề thu và quản lý tiền học thêm.
Ngay sau khi nội dung này được đưa ra, có nhiều phụ huynh đồng tình và đánh giá cao. Cụ thể, Điều 7, Thông tư 29 quy định, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tức là, nhà trường không được tổ chức thu tiền học thêm của học sinh như trước đây, kinh phí tổ chức dạy thêm sẽ lấy từ ngân sách.
Không thu học phí học thêm tại các trường công lập. Ảnh minh hoạ
Việc Bộ GDĐT hạn chế đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường là nhằm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.
Quy định này cũng góp phần quan trọng lấy lại hình ảnh cho người thầy trong trường học. Thầy cô dạy thêm là vì trách nhiệm và nghĩa vụ, vì sự quan tâm tới học sinh, chứ không phải vì tiền. Đây được coi là một quy định mang tính nhân văn, trả lại hình ảnh đẹp của người thầy, cô trong mắt học sinh.
Bên cạnh đó, Thông tư 29 cũng quy định rõ về việc không được tổ chức dạy thêm với học sinh chính khóa. Giáo viên vẫn được phép dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng và chỉ được dạy học sinh không thuộc lớp chính khóa của mình.
Quy định này sẽ tránh được sự ép buộc không đáng có của giáo viên với học sinh các lớp mà họ đang dạy. Học sinh đi học thêm là vì nhu cầu của học sinh, chứ không phải vì nhu cầu của giáo viên đang dạy lớp các em.
Từ đây, thông tư 29 cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa giáo viên với nhau trong hoạt động dạy thêm. Những giáo viên dạy giỏi, có chuyên môn tốt, vẫn sẽ thu hút được học sinh từ các trường khác, lớp khác. Sẽ không còn tình trạng giáo viên ép buộc học sinh chính khóa của mình đi học thêm. Đây là cơ hội để đội ngũ giáo viên phổ thông nâng cao nghiệp vụ và chất lượng giảng dạy.
Một điểm mới của Thông tư 29 là quy định các trung tâm dạy thêm buộc phải hoạt động theo luật doanh nghiệp, tuân thủ quy định báo cáo và đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật. Điều này chỉ rõ, các trung tâm dạy thêm thực chất là một sự kinh doanh vì lợi nhuận. Đã kinh doanh thì phải đóng thuế như một doanh nghiệp. Đó chính là sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.
Thông tư cũng quy định, cơ sở dạy thêm phải công khai về các môn học được tổ chức dạy thêm, trên Cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm, trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Quy định này nhằm đảm bảo sự minh bạch của hoạt động dạy thêm; đảm bảo quyền lợi của người học và giúp người dân, xã hội dễ dàng tham gia giám sát.
Bài và ảnh: VĂN TRUNG
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/day-them-hoc-them-quan-...
Ý kiến ()