Sáng 20-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Thảo luận về dự án luật này, một số đại biểu đề nghị xây dựng hệ thống thang bảng lương riêng cho nhà giáo.
Xếp lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, phiên thảo luận về Luật Nhà giáo được bố trí đúng vào ngày 20-11, thể hiện sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các thế hệ nhà giáo và ngành giáo dục, những người đã, đang và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho rằng, Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành là hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, để phân cấp quản lý cũng như tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục và đào tạo. “Hơn 1,6 triệu quý thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang hướng về Quốc hội, mong chờ dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xin ý kiến lần này sẽ được thông qua trong một kỳ họp gần nhất để các thầy, cô giáo thật sự hạnh phúc với nghề, vui với nghề và sống được với chính nghề của mình”, đại biểu Đỗ Huy Khánh nói.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, thảo luận của đại biểu Quốc hội là chính sách, chế độ đối với nhà giáo, nhằm thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, trong đó có vấn đề tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội trường. Ảnh: TRỌNG HẢI
Theo đề xuất của Chính phủ tại dự thảo Luật Nhà giáo, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Thảo luận về nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với việc ưu tiên chính sách tiền lương đối với nhà giáo như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất cho nhà giáo trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp cũng phải đi kèm với chất lượng nhà giáo. "Chất lượng của đội ngũ giáo viên có tầm quan trọng rất lớn, đóng vai trò quyết định với việc nâng cao chất lượng giáo dục, sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, đi đôi với việc thực hiện chính sách đặc thù tiền lương, trong quá trình thi hành luật, cần có các quy định nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức nhà giáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề”, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau. Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, bảo đảm mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp.
Tương tự, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, đội ngũ nhà giáo đang chiếm 70% đội ngũ viên chức trong toàn bộ lực lượng của xã hội. Do vậy, việc áp dụng bảng lương của hệ thống viên chức cho đội ngũ nhà giáo, kể cả khi xếp ở mức cao nhất, cũng là không phù hợp. “Cần xây dựng một bảng lương riêng cho 70% đội ngũ viên chức là nhà giáo phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của mỗi người thầy và chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng cho hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm, say sưa, tâm huyết với nghề, không phải lo làm thêm kiếm sống”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI
Nhà giáo không muốn ngành mình có ưu ái bất thường
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm, có thể một số quy định trong luật này khác với quy định của các luật khác, như quy định về tuổi nghỉ hưu khác với Bộ luật Lao động; quy định về giáo viên dạy liên trường, thuyên chuyển giáo viên khác với quy định của Luật Viên chức... Tuy nhiên, quy định khác ấy phục vụ cho mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bộc bạch: “Chúng tôi cũng phải nhìn cùng các ngành khác chứ không muốn ngành của mình có những gì đặc quyền, đặc lợi hay một điều gì đó ưu ái bất thường. Nhà giáo vốn dĩ là những con người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà những người khác bên cạnh nghèo hơn mình... Chỉ vì một điều là còn một phần rất lớn trong số 1,6 triệu người đấy vẫn ở mức chưa đủ sống, chưa đủ sống thì không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học được”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nước ta vừa thoát nghèo, chưa phải là nước giàu nên chắc chắn không thể “dàn hàng ngang ưu tiên cho tất cả mọi điều được”. “Cho nên, khi xét một đột phá chiến lược là một quốc sách hàng đầu, dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên. Cụ thể lương như thế nào để có thể bảo đảm được cuộc sống ở mức tối thiểu cho nhà giáo thì bên này (dự án luật-PV) cũng nói một vài nguyên tắc, còn xin được đưa trong các quy định cụ thể dành cho Chính phủ đúng như nguyên tắc làm luật chúng ta đang đề cập ở đây”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Thời điểm chín muồi để đầu tư đường sắt tốc độ cao
Chiều 20-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.
Phát biểu tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Các đại biểu cho rằng, hiện nay, kinh tế vĩ mô của nước ta đã ổn định, nợ công ở mức thấp, hoàn toàn có dư địa để tiếp tục huy động 67 tỷ USD phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, trong 10 năm tới, quy mô GDP của nước ta cũng đã lớn mạnh hơn.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, nước ta có hình thế kéo dài, lưu thông hàng hóa và nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc-Nam rất lớn. Nhiều khu vực có tiềm năng phát triển nhưng chưa khai thác được do nút thắt chi phí logistics cao. Quy mô nền kinh tế nước ta đang đà tăng nhanh nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc-Nam thời gian tới sẽ rất lớn. Chúng ta cần tăng lưu lượng hàng hóa xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Trung Đông và Bắc Á để giảm bớt sự tập trung quá lớn vào một số thị trường có nhiều rủi ro. Do vậy, cần xây dựng đường sắt tốc độ cao để kết nối với liên vận với mạng lưới vận chuyển quốc tế, khu vực.
Nhấn mạnh rằng số tiền đầu tư cho dự án là rất lớn, lên tới 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, các đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế sử dụng vốn ODA. Chi phí xây lắp chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư dự án, tương đương với hơn 33 tỷ USD. Do vậy, cần tập trung sử dụng nguyên vật liệu trong nước; tổ chức xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho tuyến đường sắt tốc độ cao cũng như đường sắt đô thị; chuẩn bị nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt tốc độ cao cũng như đường sắt đô thị.
Dẫn bài học kinh nghiệm từ các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội nêu rõ, do thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài thi công trọn gói nên khi điều kiện thi công không đáp ứng, nhà đầu tư nước ngoài dừng thi công và yêu cầu xử phạt hợp đồng, thời gian thi công bị kéo dài, vốn đầu tư bị đội lên rất nhiều, cả quá trình vận hành, sửa chữa, thay thế phụ tùng cũng phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị huy động doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn tham gia dự án này.
* Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
* Ngày 21-11, Quốc hội tiếp tục làm việc.
CHIẾN THẮNG
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/de-nghi-xay-dung-bang-l...
Ý kiến ()