Ngày (6/6), hơn 96.000 học sinh lớp 9 tại TP.HCM đã trải qua ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Trong khi đó, các trường THPT công lập chỉ tuyển khoảng 77.000 chỉ tiêu. Vậy “cánh cửa” nào cho khoảng 19.000 học sinh không trúng tuyển?
Mặc dù, đã trang bị đầy đủ kiến thức và làm bài thi 2 môn Văn, Ngoại Ngữ khá tốt nhưng em Hoàng Yến – học sinh lớp 9, trường THCS Võ Thành Trang (quận Tân Phú) vẫn cảm thấy rất lo lắng vì tỷ lệ chọi năm nay khá cao.
Chuyện đỗ - trượt vào lớp 10 công lập cũng đang là nỗi lo của không ít gia đình
“Mặc dù, em làm bài khá là tốt nhưng mà em cũng rất áp lực, lo lắng vì năm nay rất là nhiều bạn đăng ký thi tuyển sinh lớp 10. Đồng thời, đề khá dễ nên em nghĩ các trường sẽ nâng điểm chuẩn lên. Nếu mà rớt thì em cũng phân vân giữa trường nghề và Trung tâm GDTX”, Hoàng Yến nói.
Không chỉ học sinh, mà chuyện đỗ - trượt vào lớp 10 công lập cũng đang là nỗi lo của không ít gia đình. Anh Phạm Đăng Phương, phụ huynh có con đang học lớp 9, Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp) chia sẻ: “6h anh đưa con đến phòng thi. Thật sự rất lo, tâm lý phụ huynh có con đi thì thì ai cũng vậy hết. Tại vì số lượng học sinh thi đông nhưng số lượng trường công thì ít nên rất lo. Là phụ huynh ai cũng muốn con mình thi đậu nhưng nếu mà rớt trường công lập thì mình có thể chọn trường khác. Có thể chọn học trường tư chi phí cao hơn nhưng mình cũng phải cố gắng đầu tư vì đó là tương lai của các con".
Theo thống kê của Sở GDDT TPHCM, năm học 2023 – 2024, 114 trường THPT công lập trên địa bàn TP tuyển khoảng 77.000 chỉ tiêu, trên tổng số hơn 96.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Như vậy, sẽ có khoảng 19.000 học sinh không trúng tuyển.
Chia sẻ về chỉ tiêu tuyển sinh năm nay cũng như kế hoạch phân luồng cho học sinh sau THCS, Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng Phòng Chính Trị Tư Tưởng, Sở GD – ĐT TPHCM cho biết: “Sở GD - ĐT đang nỗ lực thực hiện theo đúng tinh thần của quyết định 522 ngày 14/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.
Theo đó có 70% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ vào học ở các trường THPT công lập và 30% còn lại sẽ tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, các trường ngoài công lập, giáo dục thường xuyên”.
Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, không có nghĩa là “cánh cửa tương lai” khép lại, hiện TPHCM vẫn còn hơn 100 trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp… với khoảng 50.000 chỉ tiêu đang chờ đón học sinh.
Với những học sinh, gia đình có điều kiện, việc đăng ký vào các trường tư thục để tiếp tục học THPT là sự lựa chọn hợp lý. Không đòi hỏi “khắt khe” về chất lượng đầu vào nhưng “đi đầu” trong áp dụng mô hình giáo dục hiện đại nên tỉ lệ học viên tốt nghiệp THPT, trúng tuyển cao đẳng, đại học của hệ thống trường tư thục Ngô Thời Nhiệm luôn nằm trong top cao cả nước.
Theo thầy Tưởng Nguyên Sự - Hiệu trưởng Trường Tư Thục Ngô Thời Nhiệm, năm 2023-2024, trường tuyển sinh 1.350 chỉ tiêu lớp 10 bằng hình thức xét tuyển học bạ với học lực TB khá, hạnh kiểm khá trở lên. Học phí đối là 3,5 triệu đồng/tháng, học sinh có học lực giỏi giảm 30% học phí.
Có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp hoặc học liên thông lên các bậc học cao hơn.
“Ngoài việc tập huấn cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, thì Trường Ngô Thời Nhiệm tăng cường nâng cao các thiết bị học tập, thiết bị giảng dạy hiện đại để làm sao học sinh thích ứng được việc học. Năm vừa rồi trường cũng đầu tư thêm phòng học trí tuệ nhân tạo để dạy trí tuệ nhân tạo (AI) cho các em học sinh.
10 năm nay, trường duy trì mức tốt nghiệp THPT 100%. Thứ 2 tỷ lệ học sinh vào đại học, bây giờ các con có nhiều hình thức vào đại học: như xét học bạ, thi năng lực, lấy điểm kỳ thi quốc gia. Theo thống kê tỷ lệ học sinh Ngô Thời Nhiệm vào cao đẳng, đại học khoảng 95%”.
Bên cạnh, việc học ở các trường tư thục, học sinh có một lựa chọn khác là theo học tại các trung tâm GDNN - GDTX. Học THPT hệ GDTX có ưu điểm học phí tương đương các trường THPT công lập và kết hợp với học nghề.
Ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) cho biết: Trung tâm đào tạo vừa học Trung cấp hệ 2 năm song song với học THPT hệ GDTX. Học sinh có cơ hội vừa tốt nghiệp Trung cấp, vừa tốt nghiệp THPT, có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp hoặc học liên thông lên các bậc học cao hơn.
“Học sinh tại trung tâm GDTX Chu Văn An cũng được học chương trình mới 2018 như là học sinh của các đơn vị khác, được lựa chọn các môn học. Tuy nhiên cũng có cái khác là anh văn và tin học là môn bắt buộc, các em sẽ được học theo chương trình của Bộ GDDT. Bên cạnh học văn hóa thì các em còn được tổ chức học trung cấp nghề miễn học phí 100%.
Các em học 2 năm là được cấp bằng trung cấp nghề, sử dụng bằng cấp này các em có thể liên thông lên cao đẳng, đại học trong những năm học tiếp theo. Các em cũng sẽ dự kỳ tốt nghiệp THPT sau 3 năm học và được cấp bằng tốt nghiệp THPT y như tất cả các học sinh khác, bằng cấp y như nhau”.
Ngoài ra, với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì học nghề theo mô hình 9 đang là một hướng đi phù hợp.
Theo GS.TS Vũ Gia Hiền, nguyên hiệu trưởng Trường Trung cấp Âu Việt, hiệu trưởng trường cao đẳng Khoa học Công Nghệ TPHCM cho biết: “Học trung cấp nghề nghiệp sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền học phí. Có những trường trung cấp chuyên nghiệp có thể đăng ký để dạy GDTX, còn có những trường chưa đăng ký dạy GDTX thì họ có liên kết với trung tâm GDTX.
Việc này, các trường đều có hệ thống rất chặt chẽ về mặt pháp lý. Khi chúng ta vào trung cấp thì chúng ta có 2 bằng: bằng nghề tức là làm việc được luôn ở các xí nghiệp, doanh nghiệp và bằng văn hóa là bằng thứ 2 để sau này chúng ta có điều kiện chúng ta học tiếp đại học và liên thông cao hơn nữa”.
Ai cũng lo lắng, mong ngóng kết quả con em làm bài ra sao, thi như thế nào?
Cũng theo GS.TS Vũ Gia Hiền, hiện nay, hệ thống trường nghề ở TPHCM phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh, việc đào tạo dạy nghề theo tiêu chuẩn của bộ LĐ TBXH, các trường nghề chú trọng hợp tác liên kết với ngước ngoài; ứng dụng công nghệ dạy nghề hiện đại, đầu tư trang thiết bị thực hành... nâng cao tay nghề, trình độ cho học viên đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Trường CĐ Khoa Học Công Nghệ thì hợp tác với Hàn Quốc, trường Trung Cấp Âu Việt thì hợp tác với Nhật Bản. Chúng tôi có những mô hình đào tạo, trang thiết bị hoàn toàn gắn liền với Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong vòng 2 -3 năm học ở trường, ra trường các em có trình độ trung cấp tương đương nghề bậc 3, chương trình cao đẳng tương đương với nghề bậc 5. Hầu hết các học viên tốt nghiệp ở trường đều có việc làm, tỷ lệ 80% với Trung cấp Âu Việt và 90% với trường CĐ KHCN”.
Có thể thấy, THPT công lập không phải là con đường “lập thân” duy nhất, vẫn còn bao “cánh cửa” đón chờ các em học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, đây là thời điểm “vàng”, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ năng lực học tập - điều kiện kinh tế của gia đình, để có những hỗ trợ, hướng dẫn các em mở “cánh cửa” phù hợp nhất để đi đến thành công trong tương lai.
Tiếp tục bàn luận về vấn đề này, hãy cùng lắng nghe bài bình luận với nhan đề “Học Trung học phổ thông: Nhiều ngã rẽ để thành công” của nhà báo Bùi Trọng Điển - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam.
Những ngày này ở hầu hết bên ngoài các điểm thi vào các Trường THPT trên cả nước đều thấy có rất đông phụ huynh hồi hộp chờ đợi các em học sinh đang tham dự kỳ thi vào lớp 10. Ai cũng lo lắng, mong ngóng kết quả con em làm bài ra sao, thi như thế nào?
Nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác số học sinh được học trong trường công lập không nhiều. Theo thống kê, tại Hà Nội sẽ có khoảng 30.000 em không vào được các trường công lập; TP Hồ Chí Minh là 19.000 em. Do số lượng học sinh tham dự vào các trường công đông, trong khi số lượng lấy có giới hạn nên tỷ lệ chọn nhiều trường là 1/4 em; trung bình là 1/1,5 em.
Các số liệu này cho thấy, cuộc đua vào các trường cấp 3 công lập năm học này cũng khắc nghiệt, gây cấn và cạnh tranh quyết liệt đối với mỗi thí sinh. Cũng chính vì áp lực của sự cạnh tranh nên gần như suốt 1 năm lớp 9 vừa qua, nhiều em học sinh ngày đêm vùi đầu vào học tập;không chỉ học ở trường mà còn ở các lớp học thêm, dạy thêm.
Nhiều em cũng nói rằng, do sĩ số các lớp qúa đông, lượng bài vở lại nhiều nên Thầy cô không có đủ thời gian để dạy hết bài giảng và quan tâm tới từng em trên lớp. Để có thể tiếp thu tốt bài vở, vượt qua các kỳ thi, buộc các em phải học thêm, học bù.Phụ huynh dẫu biết con học quá nhiều cũng thương, cũng xót nhưng đành chấp nhận.
Ngành gíao dục, nhà trường dù đã yêu cầu hạn chế dạy thêm, học thêm nhưng không có cách nào ngăn cấm triệt để vì nhu cầu của học sinh, phụ huynh; rồi vấn đề thu nhập của giáo viên sẽ không thể trông chờ vào đồng lương nếu không có tổ chức dạy thêm, học thêm.
Với các em học sinh, dù trải qua kỳ thi nào thì cũng là một dịp trải nghiệm thú vị
Tình trạng ôn thi, luyện thi vào lớp 10 công lập ngoài giờ vì thế trăm hoa đua nở; phụ huynh khá giả thì không đến nỗi vất vả. Gia đình công nhân, người có thu nhập thấp thì chi phí này là quá lớn; vượt quá khả năng nhưng vì tương lai con cái đành vay mượn, làm thêm để trang trải.
Câu chuyện đặt ra ở đây là ngoài các trường công lập, còn nhiều trường tư thục cũng sẵn sàng tiếp nhận các em. Hoặc các em có thể vào các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên; khi tốt nghiệp văn hóa để thi lên cao đẳng, đại học; đồng thời lại có thêm tấm bằng trung cấp, sơ cấp nghề; có giá trị thực tiễn cao sau này.
Chỉ tính riêng năm học này, thành phố Hồ Chí Minh có 17.000 em không tham dự kỳ thi vào các trường công lập mà chủ động đăng ký vào các trường dân lập, tư thục và nhiều trường nghề. Có thể nhiều em cũng tự thấy năng lực học tập của bản thân; hoặc gia đình và các em muốn học nghề cũng là một lối rẽ để vào đời sau này.
Ngành giáo dục nhiều địa phương thực hiện phân luồng các em ngay khi tốt nghiệp cấp II; giúp các em có định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Đây là sự chuẩn bị lâu dài và đúng hướng; giúp cho thị trường lao động về sau bớt rơi vào khủng hoảng” thừa thầy thiếu thợ” như thời gian vừa qua.
Thực tế cũng chứng minh,nhiều em tốt nghiệp các trường nghề, trường tư thục sau này ra đời cũng thành công và làm nên sự nghiệp như bao em khác. Tuy nhiên, qua khảo sát, ngoài một số trường có mức đóng học phí tương đối phù hợp thì ở nhiều trường THPT tư thục hay trường nghề, mức học phí là quá tầm với nhiều gia đình; nhất là người lao động nghèo.
Các trường này dù đã thực hiện các chính sách về miễn giảm học phí, cấp học bổng nhưng vẫn chưa đủ trải rộng để hỗ trợ nhiều gia đình. Trong khi mức đóng học phí trường công lập dù sao cũng đỡ hơn, giúp nhiều gia đình vượt qua các khó khăn về tài chính.
Các kỳ thi vào lớp 10 gần đây cũng cho thấy, số lượng học sinh theo cha mẹ dồn về các đô thị lớn ngày càng đông; trong khi các trường ở vùng nông thôn ngày càng thưa vắng.
Trong khi trường cấp 3 công lập ở các đô thị thì do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan không được mở rộng và tăng thêm; không theo kịp với tốc độ tăng dân số. Trường, lớp vì thế luôn ở thế thiếu trầm trọng so với nhu cầu.
Đã đến lúc, ở các đô thị lớn, chiến lược giáo dục phải được quan tâm đồng bộ để hỗ trợ các gia đình nghèo, gia đình nhập cư; đảm bảo con em đến tuổi là được đến trường với nhiều chính sách ưu đãi về học phí, điều kiện học tập; giải ngay bài toán sĩ số quá đông ở mỗi lớp học, cấp học.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các trường nghề, trường dân lập có điều kiện phát triển; thực hiện nhiều chính sách miễn giảm về tài chính để con em người lao động có cơ hội học tập đầy đủ, bớt áp lực.
Với các em học sinh, dù trải qua kỳ thi nào thì cũng là một dịp trải nghiệm thú vị; học tập ở ngôi trường nào nếu các em đều cố gắng phấn đấu cũng sẽ là một ngã rẽ quan trọng để dẫn đến thành công.
Đừng quá lo lắng!!!
Trọng Điển - Diễm Thúy/VOV-Giao thông
(Nguồn VOV.VN)
Ý kiến ()